Vẹo cột sống là gì?
Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong sang một bên, thường được chẩn đoán ở thanh thiếu niên.

Nguồn ảnh: Mayo Foundation
Khi nhìn từ mặt bên, cột sống bình thường sẽ có dạng cong hình chữ S (hình 1), lưng trên nhô nhẹ ra ngoài và lưng dưới vòng nhẹ vào trong. Ở góc trực diện, cột sống khoẻ mạnh sẽ là một đường thẳng từ cổ xuống xương cụt (hình 2). Dáng cột sống bị vẹo khi nhìn trực diện sẽ có chiều hướng đổ sang trái hoặc phải (hình 3).
Mặc dù các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh của nam và nữ ngang nhau, nhưng nhóm bệnh nhân nữ có nguy cơ trở nặng cao hơn nam.
Triệu chứng của bệnh lý vẹo cột sống
Các dấu hiệu và triệu chứng của chứng vẹo cột sống có thể bao gồm:
Vai cao thấp
Một bên xương bả vai nổi rõ hơn bên còn lại
Eo không đều
Một bên hông cao hơn bên còn lại
Một bên của khung xương sườn nhô ra phía trước
Một bên lưng nhô nhiều hơn khi gập người về phía trước
Đáng lưu ý, đồng thời với tình trạng cột sống cong sang một bên, cột sống sẽ xoay hoặc vặn, dẫn đến lệch xương sườn hoặc cơ của hai nửa cơ thể.
Ngoài ra, khi bệnh trở nặng, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng sau:
Đau lưng
Khó đứng thẳng
Chân bị đau, tê hoặc yếu đi đáng kể
Rối loạn chức năng ruột hoặc bàng quang
Nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này, có thể liệt kê như:
Tư thế ngồi chưa đúng
Tập thể dục thể thao sai kỹ thuật
Bẩm sinh
Di truyền
Mắc các bệnh về cơ, thần kinh, suy dinh dưỡng
Hệ luỵ của chứng vẹo cột sống
Vẹo cột sống ở mức độ nhẹ sẽ không gây quá nhiều cản trở, tuy nhiên nếu không chữa trị kịp thời, bệnh trạng trở nặng, sẽ có khả năng dẫn đến một số hệ luỵ.
Các vấn đề về hô hấp: Trong trường hợp vẹo cột sống nghiêm trọng, khung xương sườn có thể ép vào phổi, khiến bạn khó thở hơn.
Các vấn đề về lưng: Những người bị cong vẹo cột sống khi còn nhỏ có thể dễ bị đau lưng mãn tính hơn khi trưởng thành, đặc biệt nếu các mức độ cong lớn và không được điều trị. Tệ hơn có thể xuất hiện các căn bệnh về cột sống như thoát vị đĩa đệm
Ngoại hình: Khi tình trạng cong vẹo cột sống trở nên tồi tệ hơn, nó có thể gây ra những thay đổi đáng kể về ngoại hình - bao gồm hông và vai không đều, xương sườn nhô rõ, thắt lưng và thân bị lệch sang một bên. Những người bị cong vẹo cột sống thường trở nên tự ti về ngoại hình của mình.
Cách phòng tránh vẹo cột sống
Chú ý tư thế ngồi làm việc, học tập. Đặc biệt là trẻ vị thành niên.
Tập thể dục vừa sức, chú trọng tập đúng kỹ thuật động tác. Tránh gây áp lực lên cột sống.
Thực hiện các bài tập đơn giản giúp cho cột sống khoẻ mạnh
Phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ bằng chế độ ăn đầy đủ protein, chất khoáng và vitamin.
Chú trọng cân bằng trọng lượng tác động lên hai nửa cơ thể khi khuân vác, đeo ba lô,...
4 hướng điều trị vẹo cột sống
Sử dụng đai chỉnh cột sống
Nếu tình trạng vẹo cột sống đã tiến triển quá 20 hoặc 25 độ, đai chỉnh cột sống hay còn gọi là nẹp lưng sẽ là phương án tối ưu cho đến khi thanh thiếu niên đạt đến độ trưởng thành về xương hoàn chỉnh. Mục đích của việc nẹp là để đường cong không xấu đi và tránh phẫu thuật.
Vật lý trị liệu
Đây là phương pháp ứng dụng máy móc hiện đại để lấy lại đường cong tự nhiên của cột sống. Kèm theo là bài tập thiết kế riêng cho bệnh nhân.
Phẫu thuật
Hầu hết các ca vẹo cột sống thường không trở nặng đến mức phải phẫu thuật. Đây là phương án ưu tiên thấp nhất trong điều trị bệnh lý này. Vì phẫu thuật tiềm tàng nhiều nguy cơ đối với người bệnh, đặc biệt là trẻ em.
Massage trị liệu
Massage trị liệu thay thế thuốc trở nên ngày càng phổ biến trong thời gian gần đây. Với ưu thế không dùng thuốc, phương pháp này chủ yếu sử dụng các kỹ thuật nắn chỉnh vật lý để điều trị các bệnh lý về cơ xương khớp nói chung và vẹo cột sống nói riêng.
Comments